TIN TỨC NỔI BẬT

Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh phức tạp, ảnh hưởng đến cách trẻ tương tác xã hội, giao tiếp và hành vi. Tình trạng này thường xuất hiện trong những năm đầu đời, thường trước 3 tuổi, và biểu hiện rất đa dạng từ nhẹ đến nặng tùy từng trường hợp của từng trẻ.

Rối loạn phổ tự kỷ là gì?

TIN TỨC

Rối loạn phổ tự kỷ: Hiểu đúng để can thiệp sớm và hiệu quả cho trẻ

Thuật ngữ phổ dùng trong rối loạn phổ tự kỷ là để chỉ đến nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau của bệnh

Trẻ thuộc phổ tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng và hiểu ngôn ngữ, thiết lập mối quan hệ xã hội, có những hành vi lặp đi lặp lại, hoặc bị hạn chế trong các sở thích và hoạt động.

Rối loạn phổ tự kỷ không phải là bệnh có thể "chữa khỏi hoàn toàn", nhưng nếu được phát hiện sớm và can thiệp chuyên sâu đúng cách, trẻ có thể cải thiện đáng kể, phục hồi tốt khả năng học tập, giao tiếp và hòa nhập cộng đồng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây rối loạn phổ tự kỷ

Cho đến nay, chưa có nguyên nhân đơn lẻ nào được xác định là nguồn cơn duy nhất gây nên rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ có thể liên quan:

Yếu tố di truyền :

Một số trường hợp rối loạn phổ tự kỷ có liên quan đến các hội chứng di truyền hiếm gặp như hội chứng Rett hoặc hội chứng X dễ gãy. Ngoài ra, các đột biến gen cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ASD, dù không phải lúc nào cũng di truyền trực tiếp từ ba mẹ

Có anh chị em ruột mắc phải ASD

Trẻ có anh chị em ruột bị rối loạn phổ tự kỷ sẽ có nguy cơ cao mắc phải cùng tình trạng. Ngoài ra, trong một số gia đình, ba mẹ hoặc người thân có thể có dấu hiệu nhẹ liên quan đến khó khăn giao tiếp hoặc hành vi đặc trưng của phổ tự kỷ, dù không được chẩn đoán chính thức vẫn có thể khiến trẻ có nguy cơ đối mặt với ASD

Ba mẹ lớn tuổi mới sinh con

Các nghiên cứu cho thấy trẻ sinh ra từ cha hoặc mẹ lớn tuổi có khả năng tăng nguy cơ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, đây vẫn là giả thuyết cần thêm bằng chứng để xác minh chắc chắn và không phải là nguyên nhân chính dẫn đến trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ

Biến chứng không mong muốn trong quá trình mang thai, sau sinh

Một số loại thuốc như acid valproic hoặc thalidomide, nếu được sử dụng trong thời gian mang thai, có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng tự kỷ ở thai nhi. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi sức khỏe và dùng thuốc đúng cách khi mang thai

Những em bé sinh non thiếu tháng

Trẻ sinh non trước 26 tuần tuổi có nguy cơ cao hơn bị ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh, bao gồm cả khả năng mắc rối loạn phổ tự kỷ.

Giới tính

Bé trai có nguy cơ được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ cao gấp 4 lần so với bé gái. Nguyên nhân của sự chênh lệch này hiện vẫn đang được nghiên cứu thêm, tuy nhiên nó vẫn là một trong những nguyên nhân liên đến ASD

Điều quan trọng là tự kỷ không phải do lỗi của ba mẹ hay do phương pháp nuôi dạy trẻ. Đây là rối loạn sinh học – thần kinh có cơ sở khoa học rõ ràng. Ba mẹ hiểu để có hành động hỗ trợ, can thiệp kịp thời cho con

Dấu hiệu nhận biết rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ theo từng giai đoạn tuổi

Mỗi giai đoạn tuổi, từ sơ sinh đến mầm non trẻ đều có những biểu hiện đặc trưng, giúp phụ huynh và chuyên gia sớm nhận diện những dấu hiệu bất thường trong giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội của trẻ.

Việc nhận biết sớm và đúng những tín hiệu cảnh báo theo từng độ tuổi là bước đầu tiên và là bước quan trọng để can thiệp hiệu quả, giúp trẻ phát triển toàn diện, khả năng hòa nhập cao hơn. Dưới đây là những dấu hiệu theo từng cột mốc phát hiện bé có nguy cơ mắc ADS cao
Từ 0 – 6 tháng:
  • Ít hoặc không cười với người thân.
  • Không phản ứng khi được gọi tên.
  • Không có phản xạ bắt chước biểu cảm gương mặt.
  • Giao tiếp bằng mắt rất hạn chế hoặc gần như không có.
Từ 12 tháng:
  • Không biết chỉ tay để thể hiện nhu cầu hoặc hứng thú.
  • Không hiểu cử chỉ đơn giản như vẫy tay chào, gật đầu.
  • Không phát ra âm thanh, tiếng bập bẹ rõ ràng.
  • Không tỏ ra gắn bó hoặc tìm kiếm sự chia sẻ cảm xúc với người khác.
Từ 18 tháng:
  • Không có từ đơn rõ ràng nào.
  • Không chơi trò giả vờ (cho búp bê ăn, lái xe,...) đơn giản.
  • Không biết chia sẻ hoặc quan tâm đến cảm xúc người khác.
  • Có hành vi lặp đi lặp lại như vẫy tay, xoay tròn, nhìn chằm chằm đồ vật chuyển động.
Từ 24 tháng:
  • Không biết nói cụm từ 2 từ có nghĩa (ví dụ: "ăn cơm", "mẹ ơi").
  • Không có khả năng bắt chước hành động xã hội đơn giản.
  • Có vẻ "sống trong thế giới riêng", ít quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh.
  • Thường có phản ứng quá mức hoặc rất ít với âm thanh, ánh sáng hoặc cảm giác.
Hậu quả nếu phát hiện và can thiệp muộn

Rối loạn phổ tự kỷ không tự mất đi theo thời gian cũng không tự khỏi được. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, trẻ có nguy cơ bỏ lỡ "giai đoạn vàng" phát triển trí tuệ, ngôn ngữ và kỹ năng xã hội.
Khi đó, các biểu hiện như không giao tiếp bằng mắt, không phản ứng với tên gọi, hoặc lặp đi lặp lại các hành vi bất thường sẽ ngày càng rõ rệt và khó khăn trong điều chỉnh. Việc can thiệp muộn khiến trẻ chậm tiến bộ, khó hòa nhập môi trường học đường và cộng đồng, đồng thời làm tăng gánh nặng tâm lý tài chính cho gia đình.

Can thiệp càng sớm, hiệu quả càng cao đó là nguyên tắc quan trọng trong hỗ trợ trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Khi không được phát hiện sớm và không kịp can thiệp đúng lúc, trẻ rối loạn phổ tự kỷ có thể gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng trong cuộc sống:

Khó khăn hòa nhập xã hội: Trẻ càng lớn, khoảng cách phát triển với bạn bè đồng trang lứa càng rõ rệt, khiến trẻ dễ bị cô lập, tự ti, hoặc bị bắt nạt.

Rối loạn hành vi với tần suất và mức độ tăng dần: Nếu không được điều chỉnh sớm, trẻ có thể phát sinh thêm các hành vi không phù hợp như la hét, đánh người, tự làm đau bản thân hoặc có hành vi chống đối xã hội.

Giảm cơ hội học tập, việc làm : Trẻ không phát triển được ngôn ngữ và kỹ năng xã hội sẽ rất khó thích nghi với môi trường học đường, sau này khó hòa nhập môi trường học tập sau say trung học hoặc xa hơn là việc làm sau trưởng thành.

Ngoài ra, phát hiện phát hiện muộn khiến quá trình can thiệp trở nên kéo dài, tốn kém và hiệu quả cải thiện bị giới hạn, trẻ cần nhiều thời gian hơn nữa, có thể kéo dài đến vài năm

Phụ huynh nên làm gì khi nghi ngờ con thuộc phổ tự kỷ?

Việc nghi ngờ con có dấu hiệu thuộc phổ tự kỷ là điều khiến nhiều bậc ba mẹ lo lắng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong tình huống này không phải là lo sợ, mà là hành động sớm và đúng hướng. Vậy ba mẹ nên làm gì khi có linh cảm con mình có thể đang rối loạn phổ tự kỷ? Khi thấy trẻ có các biểu hiện nghi ngờ như chậm nói, không tương tác, ít giao tiếp mắt, hay có hành vi bất thường, phụ huynh nên:
  • Quan sát kỹ và ghi chép lại hành vi bất thường của trẻ
  • Đưa trẻ đi đánh giá sàng lọc sớm để hỗ trợ can thiệp kịp thời cho trẻ
  • Bắt đầu can thiệp sớm, chuyên môn, đúng hướng
  • Học cách không phủ nhận, đồng hành cùng con
  • Tìm hiểu thêm về rối loạn phổ tự kỷ, trao đổi, kết nối với chuyên gia uy tín để hỗ trợ con phát triển tốt hơn
1. Quan sát kỹ và ghi chép lại hành vi bất thường của trẻ

Dấu hiệu trẻ tự kỷ thường thể hiện qua những bất thường trong giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội. Nếu trẻ ít giao tiếp bằng mắt, gọi tên không quay lại, không chỉ trỏ khi muốn thứ gì, hoặc thiếu sự chia sẻ cảm xúc, đó có thể là những tín hiệu đầu tiên.

Ngoài ra, nếu trẻ có hành vi lặp đi lặp lại như xếp đồ chơi thành hàng, xoay vòng đồ vật, lắc người, vỗ tay vô thức, hoặc có biểu hiện chậm nói, ít nói, khó giao tiếp bằng lời, phụ huynh nên lưu ý kỹ.

Ba mẹ nên ghi lại những hành vi này cùng thời gian và hoàn cảnh xuất hiện. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng khi trao đổi với chuyên gia để đánh giá tình trạng phát triển của trẻ.

2. Đưa trẻ đi sàng lọc và đánh giá chuyên môn càng sớm càng tốt
Một trong những sai lầm phổ biến là "chờ con lớn rồi sẽ khác". Trên thực tế, phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ có thể giúp trẻ được can thiệp kịp thời và có cơ hội phát triển tốt hơn. Phụ huynh nên đưa trẻ đến các trung tâm can thiệp uy tín hoặc bệnh viện chuyên khoa tâm lý – phát triển trẻ em để được thực hiện các bài test chuyên sâu như ADOS, M-CHAT, hoặc CARS. Các đánh giá sẽ giúp xác định rõ trẻ có thuộc phổ tự kỷ không, mức độ là nhẹ – trung bình – nặng, và từ đó xây dựng kế hoạch can thiệp phù hợp.

3. Trang bị kiến thức và đồng hành đúng cách

Rối loạn phổ tự kỷ không phải là bệnh lý có thể “uống thuốc khỏi” như nhiều người vẫn nghĩ. Đây là một rối loạn phát triển lan tỏa, ảnh hưởng đến nhiều mặt như ngôn ngữ, hành vi, kỹ năng xã hội… và cần được can thiệp sớm, đúng hướng chuyên môn.

Ngoài ra, ba mẹ cần tìm hiểu thêm các kiến thức nhận biết được của trẻ chậm nói, trẻ hiếu động/tăng động, trẻ cá tính/ rối loạn hành vi. Từ đó, ba mẹ có thể có một kết luận tạm thời để có những hành động phù hợp kịp thời với con

Ba mẹ cần chủ động cập nhật kiến thức từ nguồn chính thống, tránh nghe theo những phương pháp truyền miệng thiếu căn cứ như sử dụng thuốc, cúng bái, mẹo dân gian, hoặc sử dụng thực phẩm chức năng không kiểm chứng.

Việc hiểu đúng bản chất tự kỷ giúp ba mẹ bình tĩnh, vững vàng và có thể trở thành người đồng hành hiệu quả cùng con.

4. Chủ động cho con đánh giá sàng lọc để can thiệp sớm

Khi đã nghi ngờ con có các dấu hiệu cảnh báo sớm của các rối loạn phổ tự kỷ, ba mẹ cần chủ động đưa trẻ đi đánh giá sàng lọc ngay vì đây hành động mang tính quyết định đến sự thay đổi cuộc đời của con.
Đánh giá sàng lọc là bước đầu tiên cần và phải có giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong phát triển của trẻ bằng chuyên môn. Từ đó, sẽ có được một lộ trình can thiệp hiệu quả phù hợp với nhu cầu của cá nhân trẻ. Mỗi trẻ có một mức độ rối loạn phổ tự kỷ khác nhau, nhu cầu cần hỗ trợ cũng khác nhau nên không thể có một công thức chung nào cho mọi trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Chủ động cho con đi đánh giá sàng lọc toàn diện càng sớm sẽ nắm bắt cơ hội, không bỏ lỡ giai đoạn tốt nhất của trẻ là từ 0-3 tuổi. Đặc biệt, việc chủ động, không chờ đợi từ sớm của ba mẹ khả năng cao sẽ bắt được “ giai đoạn vàng” giúp con tiến bộ vượt bậc.

5. Lựa chọn đơn vị can thiệp chuyên sâu, phù hợp

Khi được chẩn đoán thuộc phổ tự kỷ, trẻ cần được tham gia vào chương trình can thiệp được thiết kế riêng, dựa trên đánh giá chuyên môn. Ba mẹ nên tìm kiếm các trung tâm can thiệp có đội ngũ chuyên môn đầy đủ như tâm lý học, âm ngữ trị liệu, giáo dục đặc biệt… Quan trọng hơn, nơi can thiệp cần có môi trường hỗ trợ trẻ hợp tác, yêu thương, và thiết kế chương trình phù hợp với năng lực từng bé.

Phụ huynh không chỉ là người đưa trẻ đến lớp – mà cần được hướng dẫn cách tương tác, dạy con, tạo môi trường học tập tại nhà để hỗ trợ tiến trình phát triển một cách toàn diện

Đối với rối loạn phổ tự kỷ, ba mẹ không được phép chần chừ

Rối loạn phổ tự kỷ không còn là một khái niệm xa lạ, nhưng việc hiểu đúng – phát hiện sớm – can thiệp đúng vẫn luôn là thách thức đối với nhiều gia đình. Mỗi trẻ thuộc phổ tự kỷ là một cá thể độc lập, cần một lộ trình hỗ trợ riêng biệt.

Điều quan trọng nhất là ba mẹ đừng chờ đợi con tự vượt qua. Hãy hành động sớm, khoa học và kiên trì – vì tương lai của trẻ, vì hạnh phúc của cả gia đình.

Nếu bạn đang tìm kiếm nơi đánh giá sớm và can thiệp hiệu quả cho trẻ có dấu hiệu thuộc phổ tự kỷ, hãy lựa chọn những trung tâm uy tín, có đội ngũ đa chuyên ngành và triết lý giáo dục đồng hành – yêu thương – không áp lực.

Can thiệp đúng lúc không chỉ thay đổi hiện tại, mà còn mở ra cánh cửa tương lai cho trẻ.
---------------------------
𝐏𝐀𝐌𝐀𝐇𝐎𝐏𝐄
📱 Hotline: 028 3888 3999
🌐 Website: www.pamahope.com
📨 Email: info@pamahope.com
🏠 Địa chỉ: 36 đường 18, Phường An Phú, Quận 2 (TP. Thủ Đức), TP. Hồ Chí Minh
Nếu ba mẹ đang băn khoăn về khả năng ngôn ngữ của con, hãy đặt lịch đánh giá cùng chuyên gia tại Pamahope ngay hôm nay để không bỏ lỡ giai đoạn vàng phát triển của trẻ.